Theo góc nhìn của học thuyết Tâm lý học Cá nhân, hành vi con người không chỉ phụ thuộc vào di truyền và môi trường mà con người còn có khả năng diễn giải, tác động, cũng như tạo ra những sự kiện. Do đó, những gì cá nhân chọn và hành động theo những chọn lựa đó là rất quan trọng trong việc quyết định cuộc đời họ. Trong xã hội nhiều thay đổi và phát triển nhanh như hiện nay, con người phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đặc biệt trong công việc, những khó khăn, lo âu, trăn trở ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó, các vấn đề gia đình, cuộc sống cá nhân có liên hệ mật thiết đến hiệu suất công việc. Nếu không kịp thời quan tâm, hỗ trợ tâm lý cho người lao động, doanh nghiệp khó có thể tối ưu hóa năng suất. Đặc biệt hơn, với những vị trí quan trọng trong công ty, những khó khăn về tâm lý của các nhà quản lý, lãnh đạo càng cần được quan tâm nhiều hơn bởi lẽ vai trò của họ là những mắt xích quan trọng ảnh hưởng đến quá trình vận hành của doanh nghiệp. Những vấn đề tâm lý cá nhân của họ nếu không được quan tâm sẽ ảnh hưởng đến những nhân viên khác, thậm chí là ảnh hưởng tiêu cực đến bầu không khí tâm lý chung và kìm hãm sự phát triển của tổ chức. Qua đó có thể thấy hoạt động tham vấn tâm lý cho nhân viên là điều rất cần thiết trong xã hội hiện đại. Bài viết giới thiệu về Alfred Adler và phân tích quá trình tham vấn cho nhân viên nhìn từ góc độ học thuyết Tâm lý học cá nhân.
Alfred Adler ((1870 – 1937) là bác sĩ tâm thần và là nhà tâm lý học Hoa Kỳ. Giai đoạn đầu trong sự nghiệp, ông đi đi theo Phân tâm học. Tuy nhiên do không đồng tình với quan điểm của Sigmund Freud rằng bản chất con người chịu sự chi phối mạnh mẽ của tính dục và bản năng, Adler đã tách khỏi Phân tâm học và phát triển học thuyết riêng của mình. Năm 1912, Alfred Adler thành lập Hội Tâm lý học Cá nhân, những người đi theo phương pháp trị liệu của ông được gọi chung là những người theo trường phái tiếp cận Adlerian.
Quá trình tham vấn theo học thuyết Tâm lý học cá nhân bao gồm 4 giai đoạn:
-
Thiết lập mối quan hệ
Mối quan hệ giữa nhân viên tham vấn tâm lý (gọi tắt là nhà tham vấn – NTV) và nhân viên được tham vấn tâm lý (gọi tắt là thân chủ – TC) là mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở quan tâm sâu sắc, sự liên đới và tình bạn (Gerald Corey, 2009). Cũng như bất kỳ cách tiếp cận trị liệu tâm lý nào, hiệu quả của quá trình tham vấn được xây dựng và phát triển trên nền tảng mối quan hệ tin tưởng và thấu hiểu và chia sẻ giữa NTV và TC.
Ta có thể thấy vai trò của việc thiết lập mối quan hệ quan trọng như thế nào khi xem Good Will Hunting. Phim kể về Will – một chàng trai làm công việc quét dọn có khả năng thiên tài về toán học và trái tim đầy tổn thương. Với yêu cầu của Giáo sư Lambeau, Will đã tham gia vào các buổi tâm lý trị liệu với tâm thế thiếu hợp tác và dù các nhà tâm lý có chuyên môn cao đến đâu cũng chẳng thể giúp gì được cho anh. Với Nhà tâm lý Sean Maguire, ông đã không dùng những kỹ năng mà đến với anh như một người bạn, ông trải lòng về những điều không hoàn hảo, về những vết thương lòng của chính mình. Sean đã dùng tổn thương để chạm vào tổn thương và điều đó giúp ông thành công trong việc kết nối và chữa lành cho Will.
Trong tham vấn cho nhân viên, NTV cần có sự độc lập nhất định với môi trường công việc để không vướng vào những mối quan hệ kép như đồng nghiệp, cấp dưới (nếu TC là quản lý, lãnh đạo) ảnh hưởng đến hiệu quả tham vấn. Trong trường hợp kiêm nhiệm (NTV đảm nhiệm một công việc, vai trò nào đó ở công ty), NTV cần khách quan, tránh để những tiên kiến, mối quan hệ cá nhân, công việc ảnh hưởng đến quá trình tham vấn (Khi gặp phải các trường hợp này, có thể chuyển ca cho NTV khác hoặc giới thiệu cơ sở tham vấn khác và hỗ trợ chi phí tham vấn).
Một mối quan hệ tham vấn bền vững phải có đủ 3 điều kiện sau:
-
TC ý thức, hiểu được rằng bản thân đang gặp vấn đề
-
TC chấp nhận nói về vấn đề của mình (dù muốn dù không)
-
NTV ý thức được quá trình tham vấn cần thời gian và cách thức hỗ trợ cụ thể. (không phải là buổi trao đổi thông thường.)
Trong giai đoạn đầu, NTV cần lắng nghe, phản hồi tích cực và thể hiện sự tôn trọng cho mục đích và tìm kiếm sự thay đổi của TC. Một cách để xây dựng mối quan hệ của những NTV theo trường phái Adlerian là giúp TC nhận ra những giá trị, điểm mạnh của bản thân trước khi đối đầu với vấn đề. Khi TC tìm đến NTV, thông thường TC sẽ có những nhìn nhận tiêu cực về lòng tự trọng. Đặc biệt hơn với những trường hợp NTV chủ động tìm đến TC (Khi nhận thấy TC gặp khó khăn, hiệu suất lao động giảm hay các dấu hiệu bất thường khác trong công việc… ), thông thường TC sẽ có sự phòng vệ và thiếu hợp tác, thậm chí là phản kháng vì khái niệm tham vấn tâm lý còn rất mới mẻ với họ, đặc biệt là nỗi sợ bị dán nhãn chung với những người “không bình thường”, sợ lộ thông tin hay sợ bị sa thải. NTV không nên bắt tay ngay vào sử dụng kỹ thuật tham vấn với TC mà cần thể hiện rõ tính độc lập nhất định cũng như sự bảo mật thông tin, thể hiện sự quan tâm lắng nghe và tôn trọng những trải nghiệm của TC để xây dựng mối quan hệ bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau.
-
Khám phá động lực tâm lý
Mục tiêu chính trong giai đoạn này là tìm hiểu về lối sống của TC, NTV cần xác định được mối liên hệ giữa bối cảnh xã hội và văn hóa cá nhân. Theo Carlson & Englar-Carlson (2008) người thực hành theo thuyết Adler để cho những khái niệm nhận dạng văn hóa nổi bật được thể hiện trong quá trình trị liệu, và những vấn đề này sau đó sẽ được xử lý. Nghĩa là không dừng lại ở những khó khăn ở hiện tại (vấn đề dẫn đến quá trình tham vấn, do NTV xét thấy cần thiết hoặc TC tự nhận biết được khó khăn của mình và chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ), NTV sẽ tìm hiểu cả những điều xảy ra trong quá khứ và những mối quan hệ gia đình, bạn bè, các liên kết xã hội của TC. Giai đoạn này được thực hiện qua hai hình thức phỏng vấn: phỏng vấn chủ quan (subjective interview) và phỏng vấn khách quan (objective interview)
Phỏng vấn chủ quan: NTV chủ yếu dùng các kỹ thuật lắng nghe, thấu cảm và phản hồi giúp TC thoải mái chia sẻ về cuộc đời, cuộc sống của bản thân. Với hình thức này, TC chính là chuyên gia của cuộc đời họ. NTV nhìn nhận như vậy và thể hiện sự tôn trọng để TC cảm thấy bản thân được hoàn toàn lắng nghe. Khi kết thúc phiên phỏng vấn chủ quan, NTV nên hỏi những câu hỏi như: “Có điều gì khác bạn nghĩ tôi nên biết để hiểu bạn và những mối quan tâm của bạn không?” hay “Bạn muốn cuộc đời bạn khác đi như thế nào, và bạn sẽ đang làm điều gì khác nếu bạn không có triệu chứng hoặc vấn đề này?”.
Phỏng vấn khách quan: NTV vận dụng kỹ thuật đặt câu hỏi để khai thác thông tin: Vấn đề bắt đầu từ khi nào; Sự kiện đột ngột; Các vấn đề y khoa; Tiểu sử xã hội; Lý do TC chọn trị liệu vào thời điểm này; Nhiệm vụ sống; Lối sống… Mozdzierz và đồng nghiệp (1986) miêu tả trong giai đoạn này, NTV như là một “điều tra viên về lối sống”. Sự đo lường lối sống bắt đầu với một cuộc tìm hiểu chi tiết về phả hệ gia đình và những tiểu sử khi còn nhỏ (Eckstein & Baruth, 1996; Powers & Griffith, 1987; Shulman & Mosak, 1988). Giống với phân tâm học, NTV cũng diễn dịch các ký ức của TC để hiểu được cách TC đã gắn với những trải nghiệm sống của mình như thế nào. Bên cạnh đó, NTV tìm hiểu về các mối quan hệ sâu sắc của TC, các sự kiện nổi bật trong gia đình, môi trường học tập, làm việc trước đó… và ảnh hưởng của chúng đối với TC. Sở dĩ cần tìm hiểu những thông tin trên vì các vấn đề trong cuộc sống luôn có sự gắn kết với nhau theo quy luật nào đó. Chúng ta không nên tách rời một cá nhân trong môi trường làm việc và các môi trường khác mà họ tham gia vào, bởi lẽ môi trường định hình nên bản sắc con người là toàn bộ môi trường văn hóa và môi trường xã hội bao quanh cá nhân đó. Hơn nữa, không có ai dành ra 8 tiếng mỗi ngày ngay từ khi được sinh ra để phát triển một nhân cách riêng biệt chỉ dành cho sự nghiệp. Đó là lý do trong quá trình tham vấn cho nhân viên, NTV cần dành nhiều thời gian tìm hiểu, động viên TC nhiều hơn thay vì chỉ hỗ trợ giải quyết các vấn đề công việc hay đơn thuần là một nhiệm vụ nào đó.
-
Khuyến khích nội thị
Mosak và Maniacci (2008) định nghĩa nội thị (insight) là “ sự hiểu biết được chuyển dịch thành hành động có tác dụng tốt”. Khả năng nội thị hay sự nhận biết bản thân (self awareness) là điều kiện quan trong trong quá trình hồi phục nơi TC. NTV cần giúp TC tiếp cận cách thức để tự nhìn nhận bản thân (những điểm mạnh, điểm yếu, những giá trị cá nhân, thừa nhận những thành tựu cũng như thất bại…). Nội thị giúp TC biết cách tự tôn trọng chính mình và tập trung vào hoàn thiện bản thân thay vì so sánh mình với người khác.
Những người theo học thuyết Adler cho rằng khuyến khích nội thị nghĩa là giúp TC nhận ra những động cơ đang hoạt động trong cuộc đời mình. Sự tự hiểu mình chỉ có thể xảy ra khi những mục đích và mục tiêu ẩn giấu được nhận ra. NTV cần biết sự nội thị là một dạng đặc biệt của nhận thức và đóng vai trò làm nền tảng cho sự thay đổi. Sự bộc lộ và diễn dịch đúng thời điểm của NTV là những kỹ thuật tạo thuận lợi cho quá trình đạt tới sự nội thị của TC.
Figure Nhà tham vấn đang diễn dịch những điều Thân chủ chia sẻ.
NTV cần bộc lộ và diễn dịch sao cho tạo được liên hệ với nhận thức của TC trong cuộc sống về mục tiêu và mục đích sống. Những bộc lộ và diễn dịch đơn giản là những gợi ý, quan điểm, linh cảm, suy đoán của NTV chứ không nên cứng nhắc là khẳng định ý nghĩa trong hành động của TC. Nó thường bắt đầu với những từ như: “Có vẻ như…”; “Theo tôi thì…”; “Có phải là…,”. Nghĩa là NTV không dẫn dắt, định hướng bất kỳ điều gì trong quá trình tham vấn, TC có quyền bàn luận, bổ sung hay thậm chí là bác bỏ ý kiến của NTV. Qua đó, NTV có thể hiểu thêm về TC cũng như TC có thể hiểu động cơ của mình và dưới sự soi sáng của NTV, TC biết bản thân có thể làm gì để sửa chữa tình trạng hiện tại.
Ví dụ như khi TC chia sẻ rằng: “Tôi là một kẻ thất bại, tôi đã cố gắng làm việc rất nhiều nhưng vẫn không thể lo được cho con vào học trường chất lượng”. Nhận thức “trên bề mặt” của TC có thể thấy: TC xem bản thân là một kẻ thất bại. NTV không nên bác bỏ điều này bằng cách nhắc đến các thành tựu để bác bỏ nhận định trên: “Hãy nhìn xem, năm vừa rồi anh có tên trong danh sách nhân viên xuất sắc đấy!” hay “Công ty sẽ sa thải những người làm việc không hiệu quả, anh vẫn còn ở đây cơ mà”. Làm như vậy sẽ chỉ khiến TC cảm thấy không được hiểu, củng cố thêm những suy nghĩ tiêu cực của TC. Thay vào đó hãy dựa vào chia sẻ của TC để soi sáng, hướng TC nhận biết bản thân một cách tích cực. Trong trường hợp này là: “Việc không thể lo được cho cháu vào trường tốt đã khiến anh thấy mình như kẻ thất bại. Có vẻ như anh rất quan tâm việc học hành của con và mong muốn cho con những gì tốt nhất”. Với diễn dịch như vậy, TC được tạo nền để chia sẻ thêm, NTV sẽ dẫn dắt TC nhìn nhận những ưu điểm của bản thân (quan tâm đến con, làm được gì cho con…).
-
Tái định hướng
Quá trình này được hiểu là sử dụng sự nội thị vào thực hành. NTV sẽ giúp TC phát hiện cách nhìn mới hiệu quả hơn, TC được động viên cũng như thách thức, can đảm chấp nhận rủi ro và tiến tới hành động thay đổi. Cũng như tâm lý học hành vi, NTV theo trường phái Adlerian quan tâm nhiều đến thay đổi nhận thức và hành vi. Tái định hướng nhằm thay đổi những nguyên tắc của động cơ, tương tác và xử lý. Thông qua những thay đổi về nhận thức trong quá trình tham vấn, những thay đổi trên sẽ diễn ra thuận lợi hơn và sẽ được chuyển hóa thành hành vi của TC.
Cùng với tác động thay đổi nhận thức, tùy vào đối tượng tham vấn mà nhà tham vấn theo thuyết Adler có thể dạy, hướng dẫn, cung cấp thông tin, động viên… TC. Sự động viên là một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ giữa NTV và TC. Alfred Adler khi phát triển học thuyết Tâm lý học Cá nhân luôn chủ trương chống lại sự tự xem thường bản thân, sự cô lập, rút lui khỏi xã hội. Ông duy trì quan điểm tập trung giúp thân chủ đạt được lòng can đảm, chấp nhận sự không hoàn hảo và liên hệ tới những điểm mạnh bên trong TC, tới những người khác, và tới cuộc sống. Trong suốt giai đoạn này, không có sự can thiệp nào với TC quan trọng hơn kích lệ và động viên. Theo đó, dưới sự hỗ trợ của NTV, TC sẽ đi đến thay đổi và tìm kiếm khả năng mới.
Trong quá trình tái định hướng, TC đưa ra những quyết định và điều chỉnh những mục tiêu của họ. Nếu TC hy vọng thay đổi, họ phải sẵn lòng đặt ra những nhiệm vụ cho bản thân mình mỗi ngày và làm điều gì đó cụ thể về những vấn đề của mình. Theo cách này, thân chủ phiên dịch sự nội thị của mình thành những hành động cụ thể. Bitter và Nicoll (2004) nhấn mạnh rằng TC có mong muốn thay đổi và hành động theo chiến lược thay đổi là một bước tiến quan trọng đầu tiên. Lúc này, TC rất cần sự động viên để hình thành lòng can đảm để áp dụng những thay đổi trong quá trình tham vấn vào cuộc sống hằng ngày. Giai đoạn này là thời điểm để đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề. NTV và TC xem xét những khả năng có thể làm và kết quả của chúng, dự đoán hiệu quả những khả năng này sẽ đáp ứng mục tiêu của thân chủ, và quyết định hướng hành động cụ thể. Sẽ tốt nhất khi TC tự mình đưa ra được những khả năng có thể thực hiện chứ không phải là NTV. Trong trường hợp sự tự tin quá thấp và TC chưa đủ can đảm chấp nhận rủi ro để dấn thân vào tìm kiếm, thực hiện những thay đổi, NTV sẽ hỗ trợ phần lớn giúp TC làm điều đó và dần dần khuyến khích, khơi dậy tính tự lập, tự chịu trách nhiệm, dần thúc đẩy TC tự ra quyết định và hành động.
Tùy vào mỗi TC khác nhau mà NTV áp dụng kỹ thuật phù hợp để tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của TC. Những khác biệt này có thể được biểu lộ bằng một sự thay đổi trong hành vi hay thái độ hoặc nhận thức. Người theo thuyết Adler sử dụng những kỹ thuật khác nhau để khuyến khích sự thay đổi, một vài trong số đó có thể trở thành những can thiệp chung trong những khuôn mẫu trị liệu khác. Những kỹ thuật được biết đến với tên gọi như: immediacy – ngay lập tức, advice – lời khuyên, humor – sự hài hước, silence – sự im lặng, paradoxical intention – mục đích trái ngược, acting as if – dự đoán kết quả hành động, spitting in the client’s soup – đối phó với sự tránh né trách nhiệm , catching oneself – bắt lấy bản thân, the push-button technique – kỹ thuật nút bấm, externalization – hiện thực hóa, re-authoring – tái tạo, avoiding the traps – tránh né cạm bẫy, confrontation – đối mặt, use of stories and fables – sử dụng những câu chuyện và ngụ ngôn, early recollection analysis – phân tích ký ức khi còn nhỏ, lifestyle assessment – đánh giá lối sống, encouraging – động viên, task setting and commitment – đặt nhiệm vụ và cam kết, giving homework – cho bài tập, và terminating and summarizing – giới hạn và tổng kết. NTV thực hành theo thuyết Adler có thể sử dụng một cách sáng tạo những kỹ thuật khác, với điều kiện những phương pháp đó về triết lý gắn liền với giả thuyết cơ bản của tâm lý học Adler (Milliren và cộng sự, 2007).
Cùng với 4 giai đoạn tham vấn, NTV ứng dụng thuyết Adler cần hiểu sâu sắc về giá trị của động viên. Milliren, Evans, và Newbauer (2007) cho rằng sự động viên chính là chìa khóa trong việc kích hoạt và thúc đẩy sự quan tâm xã hội. Giai đoạn đầu khi bước vào quá trình tham vấn, TC thường không nhận ra hoặc phủ định những phẩm chất tích cực của bản thân, những điểm mạnh, hoặc nguồn tài nguyên nội tại. Một trong những nhiệm vụ chính của NTV là giúp họ nhận ra điều đó. Thiếu tự tin và sự nản lòng cản trở con người hoạt động hữu hiệu và sự động viên chính là liều thuốc giải. NTV sẽ sử dụng một cách đa dạng các phương pháp tác động vào nhận thức, hành vi, và kỹ thuật trải nghiệm để giúp thân chủ định nhận biết cũng như thách thức những nhận thức tiêu cực, tạo ra sự thay đổi về nhận thức, từ đó biết cách tận dụng những vốn quý, những điểm mạnh, và các tài nguyên của mình (Ansbacher & Ansbacher, 1964; Dinkmeyer & Sperry, 2000; Watts & Pietrzak, 2000; Watts & Shulman, 2003).
Động viên là điểm nổi bật trong Tâm lý học Cá nhân và cũng là yếu tố then chốt được diễn ra xuyên suốt các giai đoạn của quá trình tham vấn. Mục tiêu của động viên là xây dựng lòng can đảm. Khi TC cân nhắc thay đổi cuộc sống hiện tại, họ sẽ có rất nhiều lo lắng cũng như thiếu tự tin. Nếu có ai đó hiểu được điều đó; động viên, khơi dậy và làm triển nở sự dũng cảm đối mặt bên trong TC, họ sẽ tiến tới hành động dễ dàng hơn. Nếu TC thiếu sự hỗ trợ và động viên, họ có thể sẽ loay hoay, tiến ít hơn lùi, dần nản chí và dễ mất đi niềm tin vào bản thân vốn đã ít ỏi.
Cuộc sống phát triển dường như khiến con người phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần hơn. Các đối tượng trong độ tuổi lao động không chỉ loay hoay với các vấn đề của đời sống cá nhân mà còn trong công việc. Từ những biểu hiện dễ thấy như nhân viên làm việc thiếu hiệu quả, nhảy việc, giờ dây thun, thiếu tinh thần hợp tác đến các vấn đề phức tạp hơn như stress, trầm cảm, burn out… đã nói lên sự quan trọng và cần thiết về hoạt động tham vấn cho nhân viên.
Dù có ít doanh nghiệp tuyển dụng vị trí nhân viên tham vấn tâm lý, trên thực tế các kiến thức về tâm lý học thường được yêu cầu đối với vị trí tuyển dụng, đào tạo và tham vấn không chuyên vẫn diễn ra trong quản trị nhân sự. Quyết định 34/2020/QĐ –TT của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, trong đó xác định mã nghề Tâm lý học là 2634 là một bước tiến của Nhà nước cho nhận định được tầm quan trọng của lĩnh vực này trong cuộc sống. Tham vấn tâm lý và quản trị nhân sự cùng với nhiều chuyên ngành khác về Tâm lý học ngày càng được nhiều trường Đại học xây dựng và đào tạo. Đây là những tín hiệu tốt dự báo sự phát triển về hoạt động hỗ trợ tâm lý cho nhân viên trong môi trường làm việc.
Những nghiên cứu và thực hành của Adler hướng đến cung cấp hoạt động tham vấn một sự phòng ngừa về sức khỏe tinh thần. Những nguyên tắc của thuyết Adler được áp dụng rộng rãi tới những chương trình lạm dụng chất, các vấn đề xã hội, vấn đề theo từng giai đoạn tuổi tác, tôn giáo, kinh doanh… Với quy trình tham vấn 4 giai đoạn vừa giới thiệu trên đây, có thể thấy, ứng dụng Tâm lý học Cá nhân vào hoạt động tham vấn trong môi trường làm việc là có cơ sở khoa học và phù hợp với bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam.
Số lần xem: 533