Quy luật thích ứng, còn gọi là Quy luật nhàm chán (Law of Psychological Adaptation) cho rằng khi một cảm xúc nào đó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần mà không thay đổi nội dung hay hình thức thì cuối cùng hiệu quả tác động của cảm xúc, tình cảm đó sẽ bị suy yếu.
Trong cuộc sống tình cảm đời thường, chúng ta gọi đó là hiện tượng chai sạn tình cảm. Các biểu hiện của nó được biết đến rộng rãi “gần thường xa thương” như câu ca dao:
“Gần nhau cảm thấy bình thường
Xa nhau mới thấy tình thương dạt dào”.
Rất nhiều trường hợp xảy ra hàng ngày quanh chúng ta chịu tác động của quy luật này: Không ít người làm một công việc nào đó, hài lòng khi quen thuộc với nó rồi chẳng hiểu sao bỗng thấy nhàm chán. Họ nghĩ mình chán việc nhưng thật sự là đang chán những hành động lặp đi lặp lại một cách máy móc. Những cặp đôi yêu nhau dần cảm thấy không như lúc đầu rồi chia tay. Họ không biết cách làm mới bản thân, chỉ nghĩ rằng tình cảm đến lúc phai nhạt. Hay như nỗi đau mất đi người thân, lúc đầu mới tiếp nhận là quá sức chịu đựng, gục ngã, tuyệt vọng… nhưng dần dần ta học cách làm quen và sống chung với những mất mát.
Ngạn ngữ Nga có một câu rất hay nói về yêu xa: “Sự xa cách đối với tình yêu giống như gió với lửa. Gió sẽ dập tắt những tia lửa nhỏ nhưng lại đốt cháy, bùng nổ những tia lửa lớn”. Khá nhiều người ngại yêu xa, không phải họ thiếu tự tin tình cảm của mình chưa đủ lớn. Họ ngại vì không thể biết được những thay đổi từ đối phương và quy luật thích ứng lại sẵn sàng đẩy bất cứ ai vào môi trường mới, mối quan hệ mới với những trải nghiệm mới.
Những người hiểu được quy luật này sẽ biết cách thay đổi hình thức biểu hiện cảm xúc để tạo sự mới mẻ, kích thích sự tò mò, mong muốn tìm hiểu, chinh phục nơi đối phương để giữ ngọn lửa tình cảm luôn cháy đượm. Nếu phớt lờ quy luật, dù chẳng ai phạm lỗi, mối quan hệ tất yếu sẽ bị rạn nứt theo một cách nào đó.
Chúng ta có thể vận dụng quy luật này để tác động tích cực đến tập thể, tổ chức hay doanh nghiệp. Tiến sĩ Eichele tại Đại học Bergen (Nauy) cùng cộng sự đã đưa ra bằng chứng thuyết phục về ảnh hưởng của quy luật thích ứng trong công việc. Đó là hình ảnh chụp MRI (cộng hưởng từ) não của những người tham gia nghiên cứu khi họ lặp đi lặp lại một nhiệm vụ đơn giản. Kết quả cho thấy có sự suy giảm hoạt động ở vỏ não trước và gia tặng hoạt động ở vùng não liên quan đến nghỉ ngơi. Điều này chứng tỏ não bộ bắt đầu “quen” và biết “tiết kiệm” bằng cách đầu tư năng lượng ít hơn cho việc hoàn thành những nhiệm vụ giống nhau.
Suy rộng ra, kết quả trên cho thấy sự quen thuộc sẽ dẫn đến nhàm chán và ảnh hưởng đến năng suất lao động của nhân viên. Sự nhàm chán của cá nhân này sẽ tác động đến cá nhân khác thông qua cơ chế lây lan tâm lý. Những tác động đó sẽ hình thành nên một bầu không khí u ám trong tập thể và kéo thời gian làm việc chất lượng cũng như hứng thú công việc giảm xuống. Nếu cảm thấy nhàm chán trong công việc, bạn cần chủ động làm mới những hoạt động của mình nơi công sở, suy nghĩ tìm những giải pháp sáng tạo hơn, đột phá hơn, nhận những nhiệm vụ mang tính thách thức nhiều hơn để đứa bản thân ra khỏi vùng thoải mái. Đây cũng là cách tốt để bạn phát triển bản thân và tích lũy thêm kinh nghiệm
Nếu bạn là người lãnh đạo, bạn cần quan tâm nhiều hơn và ứng dụng duy luật này trong quá trình quản trị nhân sự. Bên cạnh thay đổi cách thức lãnh đạo, phong thái ứng xử, nhà lãnh đạo cần quan tâm đến việc đưa ra những quyết định khen thưởng dựa vào thời điểm và tính chất công việc. Tổ chức tuyên dương, khen thưởng cũng không nên gói gọn trong văn phòng, vào giờ họp mà có thể tổ chức ăn tối, tiệc nhỏ ngoài trời… Những thay đổi này có thể tác động bẻ gãy lối mòn, giúp xốc lại tinh thần làm việc của nhân viên, tạo môi trường làm việc năng động mới mẻ, tác động tích cực đến người lao động.
Số lần xem: 850