LÝ THUYẾT THÔNG MINH BA NHÂN TỐ CỦA STERNBERG
Trong bài viết trước Viện BSI đã giới thiệu đến bạn mô hình trí thông minh của Charles Spearman. Với nghiên cứu này, trí thông minh (trí tuệ) của con người không phải là một khối đơn nhất mà là một cấu trúc gồm nhiều thành phần khác nhau.Trong đó, có một yếu tố chung giữa các cá nhân như tính linh hoạt, sự mềm dẻo thần kinh…có khả năng tạo ra các năng lực tâm lý đảm bảo hiệu quả thực hiện nhiều hoạt động, ông gọi đó là nhân tố G (General). Nhân tố trí thông minh chung này hình thành nên một nền tảng mà từ đó tất cả các khả năng tâm lý khác được phát triển. Bên cạnh nhân tố G, cá nhân còn phải có những hiểu biết và năng khiếu riêng gọi là nhân tố S (Special). Các yếu tố cơ bản hình thành nên nhân tố S là những yếu tố thuộc về cơ học, ngôn ngữ, số học và không gian. Bốn yếu tố này mang tính riêng biệt, khác nhau ở mỗi cá nhân và có phần giao nhau hợp thành nhân tố chung. Xem thêm về mô hình trí thông minh của Spearman tại: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02X4xgSZAVtd3UNAJ9CREVzKwi945Kvr7aa7MeoLWaXd6sELDUG56woLEai5BrwmAyl&id=100072040541197
Lý thuyết của Spearman đặt nền móng cơ bản về nhận thức rằng trí thông minh là một khái niệm mang nhiều sắc thái hơn là dùng để chỉ một năng lực chung duy nhất. Từ công trình này, ngày càng có nhiều nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm lời giải thích về cấu trúc của trí thông minh. Lý thuyết thông minh 3 nhân tố của Robert J. Sternberg là một trong những công trình đi sâu nghiên cứu vấn đề này, cùng Viện BSI tìm hiểu mô hình này bạn nhé!
Robert Sternberg là nhà tâm lý học Hoa Kỳ. Ông chủ yếu nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học nhận thức, tập trung vào nghiên cứu các dạng trí thông minh khác nhau của con người và đo lường tâm lý. Theo Sternberg, trí thông minh không phải là một yếu tố đơn nhất và bất biến mà là một tập hợp các khả năng. Ông đã định nghĩa trí thông minh là: ““khả năng trí tuệ hướng đến việc thích nghi, chọn lọc, hình thành có mục đích trong các môi trường thực tế liên quan đến toàn bộ cuộc sống của một người”. Ở đây, trí thông minh được hiểu là tất cả các hoạt động tinh thần hướng dẫn một cá nhân thích nghi một cách có ý thức với môi trường. Sternberg đưa ra khái niệm “trí tuệ thành công” (successful intelligence) với 3 nhân tố định hướng cá nhân đi đến thành công. 3 nhân tố này còn được hiểu là ba loại trí thông minh và việc phân loại được dựa trên quá trình cá nhân tiếp nhận thông tin: (1) Trí thông minh phân tích, (2) Trí thông minh thực hành và (3) Trí thông minh sáng tạo.
1. Trí thông minh phân tích
Trí thông minh phân tích được hiểu là khả năng nắm bắt, lưu trữ, sửa đổi và làm việc với thông tin. Một số tài liệu cho rằng lý thuyết của Sternberg xác định 4 yếu tố hình thành nên trí thông minh thì khía cạnh thông minh phân thích là 1 phần lớn bao gồm 2 thành tố: Kỹ năng ghi nhớ (Memory skills) và Kỹ năng phân tích (Analytical skills). Đây là loại trí thông minh là gần nhất với quan niệm trước đây vì chủ yếu nhấn mạnh khả năng thiết lập và quản lý kiến thực, thông tin thu nhận được. Nhờ vào trí thông minh phân tích, mỗi người có thể thực hiện các hoạt động như xác định vấn đề, đưa ra quyết định và chọn giải pháp. Trí thông minh này cho phép cá nhân làm việc dựa trên những gì được nhận thức từ thực tế, điều chỉnh nhận thức cũng như xử lý quá trình nhận thức và đưa ra phản hồi.
2. Trí thông minh thực hành (còn gọi là trí thông minh thực tế hoặc theo ngữ cảnh)
Loại trí thông minh này đề cập đến khả năng thích ứng của con người với môi trường mà họ sống. Về cơ bản, con người cũng như những sinh vật khác sẽ tồn tại bằng cách tận dụng những gì có sẵn từ môi trường sống. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng sẽ gặp được những điều kiện thuận lợi nên con người cần một loại trí thông minh giúp thiết lập những điều kiện giúp họ thích nghi và tồn tại trong môi trường bất lợi. Loại trí thông minh này trong lịch sử đã đưa loài người đã tiến hóa từ phương thức lao động săn bắt, hái lượm sang chăn nuôi, trồng trọt. Trong bối cảnh hiện nay, trí thông minh thực hành thể hiện trong hành vi của mỗi người - ở việc lựa chọn, điều chỉnh môi trường hoặc điều chỉnh những yếu tố thuộc về cá nhân để hoạt động hiệu quả hơn. Chẳng hạn như vấn đề di cư, du học, tham gia các chương trình phát triển bản thân… Đó chính là những biểu hiện cho việc cá nhân áp dụng các khả năng nhận thức với mục đích thích nghi.
3. Trí thông minh sáng tạo
Loại trí thông minh này thể hiện ở mức độ kết hợp thông tin thu được từ môi trường bên ngoài với những nét tâm lý đặc trưng của mỗi cá nhân. Trí thông minh sáng tạo hay năng lực sáng tạo cho phép cá nhân học hỏi kinh nghiệm, liên kết với tư duy sáng tạo để giải quyết vấn đề theo cách mới hoặc giải quyết những vấn đề mới trong cuộc sống. Một khía cạnh khác của trí thông minh sáng tạo là liên quan đến khả năng tự động hóa. Tự động hóa được hiểu là khả năng tái tạo một hành vi mà không đòi hỏi nỗ lực của ý thức. Một cá nhân có năng lực tự động hóa cao nghĩa là họ thành thạo việc sử dụng nhận thức, kỹ năng trong cả những tình huống quen thuộc và tình huống mới. Điều này cho phép cá nhân linh hoạt với sự thay đổi của bối cảnh và tăng tỉ lệ đạt được thành công trước những nhiệm vụ khác nhau.
Ứng dụng lý thuyết thông minh 3 nhân tố trong phát triển bản thân và người khác.
Khi đối diện với bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống, chúng ta đều có mong muốn tìm ra giải pháp. Trí thông minh phân tích là nền tảng để thực hiện hóa mong muốn đó. Với vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ, bạn có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc đặt câu hỏi cho chính mình hoặc hướng đến hỗ trợ người khác trong việc xác định vấn đề, phân bổ tài nguyên, tổ chức thông tin, xây dựng chiến lược, giám sát các chiến lược giải quyết vấn đề cũng như câu hỏi hướng đến đánh giá các giải pháp. Nếu bạn là sếp, bạn có thể hỗ trợ phát triển trí thông minh phân tích của nhân viên bằng cách đặt câu hỏi cơ bản về bất cứ vấn đề nào trong thực tiễn liên quan đến công việc của họ, hỏi về việc dành bao nhiêu thời gian, quyết định sử dụng những nguồn lực nào để thực hiện. Bạn có thể đưa đưa ra lời khuyên nhưng tốt nhất hãy khuyến khích mỗi nhân viên trở thành một người chủ động giải quyết vấn đề. Theo đó, công việc của bạn là người hỗ trợ, dõi theo để đưa ra phản hồi cần thiết, kịp thời và những đánh giá mang tính xây dựng cũng như những câu hỏi để cá nhân rút ra được điểm mạnh, hạn chế của bản thân và người khác.
Đối với trí thông minh thực hành, loại trí thông minh này sẽ có điều kiện phát triển khi cá nhân ý thức được rằng sai lầm không phải là dấu chấm hết mà là những cơ hội để học hỏi và phát triển. Lối tư duy như vậy giúp cá nhân tự tin hành động và có sự cam kết nhất định để không bỏ cuộc và biết tự điều chỉnh khi gặp thất bại. Nếu bạn đang thực hiện hoạt động cố vấn, huấn luyện với một người thiếu tự tin, bạn có thể hỗ trợ họ dần dấn thân vào hành động bằng cách phân tích để họ hiểu về cơ chế tư duy của bản thân; khuyến khích nội thị để họ tự thấy ưu, nhược điểm của bản thân; khơi lại cảm xúc về những thành tựu đã đạt được, xây dựng niềm tự hào để từ đó phác thảo chiến lược hành động giúp cá nhân có tâm thế sẵn sàng đương đầu với thách thức, bước ra khỏi vùng thoải mái để hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Trí thông minh sáng tạo thể hiện ở khả năng đưa ra ý tưởng mới hay phát triển một giải pháp nào đó theo cách tối ưu mà thường là đa số những người xung quanh không nhìn ra được. Nền tảng để phát triển trí thông minh sáng tạo là cá nhân cần làm quen với sự không chắc chắn. Khi chấp nhận sự khó chịu từ những điều không chắc chắn, cá nhân sẽ có động lực để tìm kiếm và thử những ý tưởng mới. Sự sáng tạo không phải lúc nào cũng đưa đến thành công nhưng đó là điều cần thiết vì nó tạo động lực cho sự cải tiến và đổi mới. Sáng tạo hay những năng lực nào khác đều được xác định giá trị khi tính ứng dụng của nó được gắn với đời sống. Giống như Abraham Lincoln khi được hỏi về chiều cao lý tưởng của một người đàn ông, vị Tổng thống này đã trả lời là “dài đủ để chạm đất”. Vì vậy, khi hỗ trợ ai đó phát triển trí thông minh sáng tạo, bạn cần khuyến khích sự sáng tạo bắt rễ từ thực tế để những sản phẩm của sự sáng tạo gần với hiện thực và có nhiều giá trị ứng dụng hơn.
Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Sternberg đã đề xuất lý thuyết trí thông minh 3 nhân tố như một giải pháp thay thế cho ý tưởng truyền thống về trí thông minh đơn nhất. Đến ngày nay, quan điểm về đa trí thông minh vẫn được phần lớn xã hội ủng hộ cũng như tiếp tục đào sâu nghiên cứu. Một trong những khái niệm liên quan đến lý thuyết này là mô hình WICS. BSI sẽ chia sẻ về mô hình này trong một bài viết khác để có thể phân tích kỹ hơn năng lực thích ứng với môi trường cũng như khả năng tổng hợp các thành phần để hình thành nên tài năng của cá nhân theo mô hình này . Quay lại với mô hình trí thông minh 3 yếu tố, khi tìm hiểu mô hình lý thuyết này, BSI muốn chia sẻ với bạn rằng trí thông minh phân tích, trí thông mình thực hành - khả năng phản ứng và thích nghi với môi trường xung quanh cũng như trí thông minh sáng tạo đều quan trọng như nhau và không nên xem nhẹ yếu tố nào trong số chúng nếu muốn đo lường trí thông minh tổng thể của một cá nhân. Bên cạnh đó, trí thông minh không phải là một chỉ số bất biến, sinh ra đã có mà nó là một tập hợp các khả năng có thể được phát triển theo thời gian cũng như ảnh hưởng của bối cảnh và tính chủ thể của mỗi người. Nắm bắt được 2 vấn đề cốt lõi này, tin rằng mỗi người sẽ biết cách nới rộng tam giác trí thông minh một cách cân bằng, phát triển đồng thời và bền vững cả ba yếu tố để đạt được “successful intelligence”
Số lần xem: 299