Khoa học hành vi là một lĩnh vực nghiên cứu rộng hướng đến tìm hiểu, giải thích hành vi của con người với tư cách cá nhân cũng như tư cách là một thành viên trong một nhóm xã hội nhất định. Lý thuyết hành vi chỉ là một trong những trụ cột nền tảng của khoa học hành vi. Chẳng hạn như lý thuyết điều kiện hóa cổ điển (Watson), lý thuyết điều kiện hóa tạo tác (B.F.Skinner) tập trung nghiên cứu về hành vi của con người và động vật dựa trên thực nghiệm, quan sát, phân tích có hệ thống về hành vi của con người và động vật. Những kết quả nghiên cứu trên động vật được lý thuyết hành vi nhìn nhận rằng cũng đúng khi áp dụng lên con người, đó là một trong những lý do chính khiến lý thuyết hành vi vấp phải nhiều chỉ trích. Trên thực tế, một trụ cột không kém phần quan trọng của khoa học hành vi chính là lý thuyết nhận thức với định hướng nghiên cứu tập trung tìm hiểu nhận thức ảnh hưởng đến hành vi, cũng như tìm hiểu cách thức môi trường tác động đến nhận thức, hành vi như thế nào. Có thể kể đến những lý thuyết về nhận thức tiêu biểu như lý thuyết phát triển nhận thức (Pjaget), lý thuyết học tập xã hội (Banduara), lý thuyết khoa học thần kinh nhận thức (Cognitive-Neuroscience Theory – lĩnh vực nghiên cứu kết hợp giữa tâm lý học nhận thức và khoa học thần kinh).
Khoa học hành vi khám phá các quá trình nhận thức trong các sinh vật và các tương tác hành vi giữa các sinh vật trong thế giới tự nhiên. Nó liên quan đến việc phân tích và điều tra có hệ thống hành vi của con người và động vật thông qua quan sát tự nhiên, thí nghiệm khoa học có kiểm soát và mô hình toán học. Nó cố gắng hoàn thành các kết luận hợp pháp, khách quan thông qua các công thức và quan sát nghiêm ngặt. Ví dụ về khoa học hành vi bao gồm tâm lý học, tâm lý học, tội phạm học, nhân chủng học, xã hội học, kinh tế học và khoa học nhận thức. Nói chung, khoa học hành vi chủ yếu tìm cách khái quát hóa về hành vi của con người vì nó liên quan đến xã hội và tác động của nó đối với toàn xã hội. Tóm lại dựa trên hai nền tảng lý thuyết nhận thức và lý thuyết hành vi, các nhà khoa học hành vi nghiên cứu và trả lời câu hỏi khi nào và tại sao các cá nhân thực hiện hành vi cụ thể bằng cách kiểm tra những tác động của ý thức, động lực, ảnh hưởng của môi trường, kinh nghiệm… dẫn đến hành vi.
Một số phân ngành trong Khoa học hành vi có thể kể đến như: Hành vi tổ chức, Hành vi thương mại, Hành vi người tiêu dùng, Tâm lý xã hội, Hành vi lệch chuẩn. Nhìn vào tên gọi của những phân ngành trên, có thể thấy Khoa học hành vi không chỉ nghiên cứu về Tâm lý học, đây là một lĩnh vực nghiên cứu có sự kết hợp đa ngành, nổi bật trong số đó là mối liên kết mật thiết với Nhân chủng học, Xã hội học, Kinh tế học và Tâm lý học. Lý do cho tính liên ngành trong nghiên cứu khoa học hành vi là do hành vi của con người quá phức tạp, không thể dùng một hay một số lý thuyết, khái niệm và phương pháp luận trong một lĩnh vực để lý giải. Ví dụ khi nghiên cứu về vấn đề người lao động đổ về thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội – hai vùng kinh tế trọng điểm của nước ta. Nếu chỉ dựa vào kinh tế chúng ta sẽ giải thích lý do di cư ngắn hạn của họ là tìm kiếm cơ hội việc làm và gia tăng thu nhập. Nhưng nhưng lý do này không thể giải thích vì sao nhiều người lựa chọn mang theo con nhỏ vào hành trình Nam tiến hay Bắc tiến của họ. Chỉ khi nhìn vấn đề dưới góc nhìn của khoa học hành vi, cụ thể là dựa vào lý thuyết lực hút và lực đẩy (push and pull factors) để thấy ngoài vấn đề về thu nhập còn có nhiều lực hút và lực đẩy khác giữa nơi đi và nơi đến cần được xem xét như: cơ hội giáo dục, môi trường, văn hóa, điều kiện tiếp cận y tế, dịch vụ sức khỏe, giải trí… Ví dụ trên lý giải phần nào sự cần thiết kết hợp liên ngành trong nghiên cứu và tìm hiểu nhận thức để lý giải hành vi thay vì phân loại hành vi theo biểu hiện bên ngoài. Cũng từ ví dụ trên, chúng ta có thể thấy dự đoán và giải thích hành vi là công việc khá phức tạp và hoàn toàn không phù hợp nếu sử dụng lý thuyết kinh tế đơn thuần áp vào lý giải một hành vi mang đậm tính xã hội như di cư.
Lý do ra đời Khoa học Hành vi
Có thể bạn đang nghĩ Khoa học Hành vi là điều gì đó khá xa vời? Thực tế, có thể bạn đã và đang là đối tượng nghiên cứu của một lĩnh vực khoa học hành vi nào đó đấy. Lấy ví dụ trong lĩnh vực kinh tế tiêu dùng. Bạn có để ý là các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm mua sắm thực hiện thay đổi vị trí của các kệ hàng theo định kỳ? Sự thay đổi này không phải do nhân viên nhàn rỗi hay liên quan đến yếu tố thẩm mĩ mà nó được quyết định dựa trên cơ sở của khoa học hành vi. Cụ thể, sẽ có 1 nhóm thực hiện công việc nghiên cứu thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Họ có thể là quan sát trực tiếp một nhóm người mua sắm, theo dõi chuyển động của họ trong cửa hàng và ghi lại các quyết định mua hàng của họ hoặc đến và phỏng vấn, lấy ý kiến trực tiếp. Bên cạnh hình thức quan sát tự nhiên hoặc phỏng vấn, nghiên cứu viên cũng có thể xây dựng thử nghiệm được kiểm soát – Tức là thay đổi vị trí sắp xếp của các sản phẩm có trong cửa hàng để xem điều này ảnh hưởng như thế nào đến hành vi của người tiêu dùng. Và với cách nào đi nữa thì rõ ràng là hành vi của bạn nói riêng và người tiêu dùng nói chung đang được nghiên cứu để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.
Cơ sở lý thuyết khoa học hành vi
Cơ sở của Lý thuyết Khoa học Hành vi bắt nguồn từ những quan sát và nghiên cứu về hành vi của cá nhân và nhóm. Cơ sở này chuyển thành hai nhánh chính: lý thuyết nhận thức (cách suy nghĩ hoặc nhận thức ảnh hưởng đến hành vi) và lý thuyết hành vi (môi trường tác động đến hành vi như thế nào).
Những tuyên bố cốt lõi của Khoa học Hành vi:
- Hành vi của con người có thể được nghiên cứu theo phương pháp khoa học
- Hành vi chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như cấu trúc di truyền, môi trường và nhận thức của mỗi cá nhân
- Hành vi có thể được điều chỉnh hoặc thay đổi. Tuyên bố này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với các lĩnh vực lớn như giáo dục, luật pháp cũng như những phạm vi nhỏ hơn như tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng…
Tính ứng dụng của khoa học hành vi
Khoa học hành vi được biết đến là lĩnh vực nghiên cứu giàu tính ứng dụng trong đời sống hằng ngày đến các lĩnh vực lớn hơn như giáo dục và đào tạo, phát triển tổ chức, xây dựng chính sách, chăm sóc sức khỏe… Từ những tác động nhỏ thay đổi hành vi cá nhân đến những ảnh hưởng lớn hơn đến tổ chức, các chính sách, luật pháp… nghiên cứu khoa học hành vi đã và đang trở thành một phần quan trọng trong xã hội ngày nay. Dù bạn có nhận thức được hay không, nhiều nguyên tắc về khoa học hành vi đã và đang mang lại những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của bạn. Những nguyên tắc này thường được áp dụng một cách có chủ đích hoặc không có chủ đích trong nhiều tình huống như duy trì lịch tập thể dục, tuân thủ chế độ ăn, thúc đẩy học tập hoặc làm việc chống lại sự trì hoãn. Trong nội dung dưới đây, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Hành vi sẽ tập trung vào tính ứng dụng của khoa học hành vi ở cấp độ cá nhân trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong công việc.
Ví dụ một người tham gia khóa tập thể hình. Để nhanh chóng lấy lại vóc dáng cân đối, người đó có thể cần thực hiện kèm chế độ ăn kiêng thích hợp. Khi đó, nguyên tắc của khoa học hành vi có thể được áp dụng đó là thay đổi môi trường để điều chỉnh hành vi. Chẳng hạn, họ có thể không để đồ ăn trong phòng ngủ, trên bàn làm việc cũng như loại bỏ danh sách những đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh ra khỏi giỏ hàng khi đi mua sắm. Những dẫn chứng trên đây là ví dụ về "cấu trúc lựa chọn" (choice architecture) - một thuật ngữ trong kinh tế học hành vi ngụ ý rằng môi trường có thể được thiết kế theo những cách khác nhau để tác động đến quá trình ra quyết định của cá nhân. Một ví dụ dễ hiểu hơn đó là cách người lớn sử dụng “lịch trình củng cố” (reinforcement schedules) để hình thành thói quen tích cực cho trẻ như: cất đồ chơi gọn gàng, làm bài tập, hành xử lễ phép… Trong trường hợp này, người lớn có thể triển khai thông báo và cách thức xác nhận, quy đổi hành vi tích cực thành phần thưởng để giúp trẻ hình thành hành vi mong đợi. Lịch trình củng cố không chỉ được sử dụng trong giáo dục dành cho trẻ em với hình thức phiếu bé ngoan, sticker mà còn được áp dụng đối với người lớn dưới những cái tên như: Phiếu mua hàng, phiếu quà tặng, thẻ thành viên…
Ngoài những những thuật ngữ chuyên môn được đề cập ở ví dụ trên, tự điều chỉnh (Self-regulation) cũng là một khái niệm cần quan tâm nếu bạn muốn tìm hiểu về lĩnh vực này. Tự điều chỉnh được hiểu là khả năng kiểm soát hành vi, cảm xúc và suy nghĩ một cách hiệu quả mà không cần phải dựa vào sự can thiệp từ bên ngoài. Tự điều chỉnh giúp cá nhân hành xử phù hợp tương ứng với sự thay đổi của tình huống, bối cảnh. Nó bao gồm khả năng tự kiểm soát cảm xúc, ứng phó với căng thẳng, áp lực, quản lý tốt thời gian cũng như tự tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả cho bản thân. Đây được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công cá nhân và chất lượng cuộc sống. Người có khả năng tự điều chỉnh tốt thường có khả năng đạt được mục tiêu cá nhân, duy trì mối quan hệ tích cực cũng như giải quyết vấn đề linh hoạt, hiệu quả hơn người khác.
Nhìn ra ngoài hành vi cá nhân, Khoa học Hành vi còn được ứng dụng sâu rộng ở nhiều lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, kinh tế tài chính, đến phát triển nguồn lực, xây dựng chính sách… đều có sự góp mặt của những nghiên cứu liên quan đến Khoa học Hành vi. Đơn cử trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Khoa học Hành vi có thể cung cấp thông tin cho các chiến dịch y tế, làm cơ sở đưa ra các biện pháp can thiệp hiệu quả hơn, thúc đẩy bệnh nhân tuân thủ tốt hơn các lời khuyên của bác sĩ… Một bệnh viện ở Anh đã tìm cách giảm số lượng cuộc hẹn thăm khám bị bỏ lỡ bằng cách điều chỉnh tin nhắn. Thay vì chỉ nhắc về giời gian: “Cuộc hẹn của bạn với bác sĩ sẽ diễn ra vào ngày mai lúc 2 giờ chiều", thông báo mới đã được điều chỉnh như sau: “Cuộc hẹn của bạn với bác sĩ sẽ diễn ra vào ngày mai lúc 2 giờ chiều. Dịch vụ Y tế Quốc gia ước tính mỗi cuộc hẹn có chi phí khoảng 160 bảng Anh.” Đây là cách bệnh viện ứng dụng diễn đạt theo khoa học hành vi - để thúc đẩy con người ra quyết định bằng việc đề cập đến lợi ích cụ thể. Và thực tế bệnh viện đã giảm được ¼ trên tổng cuộc hẹn bị bỏ lỡ.
Trong kinh doanh và tiếp thị, các kỹ thuật bắt nguồn từ khoa học hành vi được sử dụng để hiểu hành vi của người tiêu dùng, thông báo chiến lược tiếp thị và nâng cao doanh số bán hàng. Ví dụ, những hiểu biết sâu sắc từ khoa học hành vi có thể giúp các nhà tiếp thị hiểu lý do tại sao người tiêu dùng có thể thích sản phẩm này hơn sản phẩm khác. Khi hiểu về ảnh hưởng của thiên kiến nhận thức, là người bán hàng - chúng ta có thể tận dụng thiên kiến để phát triển chiến lược marketing hoặc ngược lại, việc tìm hiểu chúng giúp ta biết cách tập trung vào vấn đề cốt lõi, tránh bị dắt mũi trong trường hợp là người mua.
Xem thêm các bài viết về thiên kiến nhận thức tại:
Hiệu ứng Dunning-Kruger: Dunning-Kruger là... - Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Hành vi | Facebook
Hiệu ứng Halo: [TÌM HIỂU VỀ THÀNH... - Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Hành vi | Facebook
Thêm một ví dụ thêm trong hoạt động kinh doanh khá quen thuộc với bạn đó là việc cửa hàng bán lẻ đồ uống đã sử dụng các nguyên tắc khoa học hành vi để hướng đến thay đổi hành vi người dùng – mang theo bình cá nhân để hạn chế sử dụng cốc dùng một lần. Họ thử nghiệm nhiều thông điệp và nhận thấy thông điệp mang lại hiệu quả tối ưu là "Để tiết kiệm tiền và giúp ích cho môi trường, bạn sẽ được giảm giá 10% trên tổng hóa đơn mỗi khi bạn mang theo chiếc cốc có thể tái sử dụng của mình". Đây là một ứng dụng của khoa học hành vi về sự kết hợp giữa giao tiếp rõ ràng, khuyến khích tiết kiệm và thông điệp về bảo vệ môi trường đã dẫn đến hành vi mang theo cốc cá nhân khi mua đồ uống tăng 150%. (theo Study Smarter, 2024). Tại Việt Nam, những chương trình tương tự cũng được những thương hiệu lớn như Phúc Long, Starbucks cũng như những cửa hàng nhỏ lẻ ưa chuộng áp dụng. Những ví dụ điển hình này chứng minh ứng dụng thực tế và tác động đáng kể mà khoa học hành vi có thể tạo ra đối với cả thói quen cá nhân và các vấn đề xã hội rộng lớn hơn như phân bổ nguồn lực chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường cũng như nhiều vấn đề nổi cộm khác.
Ra đời và phát triển chưa đầy một phần ba thế kỷ, Khoa học Hành vi đã và đang nổi lên như một yếu tố đóng góp quan trọng vào việc làm sáng tỏ sự phức tạp trong hành vi của con người từ ra quyết định cá nhân đến tương tác nhóm hay xu hướng hành vi tập thể, hành vi xã hội. Khoa học hành vi vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng, cung cấp những hiểu biết quan trọng giúp chúng ta nhận diện cũng như dự đoán hành động của con người trên những lĩnh vực khác nhau.
Tài liệu tham khảo:
Gintis, H. (2007). A framework for the unification of the behavioral sciences. Behavioral And Brain Sciences. 30, 1–61. Printed in the United States of America. DOI: 10.1017/S0140525X07000581
Hastings, J., Michie, S. & Johnston, M. Theory and ontology in behavioural science. Nat Hum Behaviour, 226 (2020). https://doi.org/10.1038/s41562-020-0826-9.
Studysmarter. Behavioral Science. Truy cập từ https://www.studysmarter.co.uk/explanations/business-studies/organizational-behavior/behavioral-science/ (25/3/2024).
vbsi.vn
Số lần xem: 1882